Kiến nghị xây dựng Pháp lệnh mía đường
Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận định: Niên vụ mía đường 2016-2017, tình hình thời tiết và lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long có nhiều biến động bất thường khiến một số nhà máy vào vụ chậm, một số nhà máy vào vụ đúng lịch nhưng cũng không sản xuất liên tục được như dự kiến. Tính đến ngày 15/11/2016, các nhà máy thành viên của Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã ép được 399.180 tấn mía, sản xuất được 34.878 tấn đường. Tồn kho đường tại các nhà máy tính đến ngày 10/11/2016 là 95.300 tấn, kết hợp với sản lượng đường sản xuất, nguồn cung đảm bảo nhu cầu cho dịp Tết Đinh Dậu 2017, góp phần bình ổn thị trường.
Đưa mía vào dây chuyền ép ở Nhà máy đường
Tại cuộc họp, Hiệp hội Mía đường Việt Nam khuyến nghị các nhà máy đường cần chủ động, linh hoạt trong sản xuất phù hợp với tình hình nguyên liệu của đơn vị để có hiệu quả; hàng tuần, hàng tháng, hàng quý báo cáo kết quả sản xuất, lượng đường tồn kho, giá cả (giá mía, giá đường) về hiệp hội để tổng hợp báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước có biện pháp cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường.
Đồng thời, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị:
Nhà nước bổ sung các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020, 2030 trong quy hoạch phát triển mía đường đối với các sản phẩm sau đường và cạnh tranh như rượu, cồn, etanol, phân bón vi sinh; định hướng cụ thể về vùng nguyên liệu và đầu tư nhà máy đối với từng vùng sinh thái; bổ sung thêm các giải pháp cụ thể về quy hoạch đất đai, tổ chức quản lý sản xuất giống mía, các giải pháp canh tác, nhất là việc cơ giới hóa đồng bộ canh tác mía từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch mía… qua đó giúp các nhà máy đường có căn cứ xây dựng kế hoạch và lộ trình đầu tư phát triển.
Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh giá điện đồng phát từ bã mía theo nguyên tắc không phân biệt giữa giá đồng phát và giá điện sinh khối để khuyến khích các nhà máy đường đầu tư các dự án đồng phát điện. Chỉ đạo các thương nhân đã được phân bổ hạn ngạch nhập khẩu đường hoàn thành nhập khẩu trước ngày 31/12/2016 không gia hạn chuyển sang năm 2017 tránh tác động đến cung - cầu khi sản xuất đường trong nước đã vào vụ đại trà.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành quyết định về Quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2020, tầm nhìn 2030; chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam xây dựng đề án tái cơ cấu ngành đường. Đặc biệt, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã thống nhất kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ chuyển việc xây dựng Nghị định mía đường thành Pháp lệnh mía đường để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội nhằm nâng cấp cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các chủ trương, chiến lược của Đảng, Nhà nước về phát triển mía đường hiệu quả hơn.../.
Nguồn: Báo Công Thương
--------------------------------------------------------------------
Sugar - Đường Cát Trắng
0902471618 (Ms. Ngọc)
Xem thêm