Nhiều nỗi lo trước thềm thu hoạch niên vụ mía mới

Thông tin từ Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), niên vụ mía 2019-2020 này sẽ chính thức vào vụ ép từ ngày 15-9 tới. Tuy nhiên, hiện nay có quá nhiều nỗi lo, nông dân thì lo thua lỗ, địa phương thì lo thừa mía, nhà máy thì lại lo thiếu nguyên liệu.

Ngày đăng: 05-08-2019

1,470 lượt xem

Nông dân thấp thỏm

Theo nhiều nông dân trồng mía trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, đã hai vụ mía liên tiếp vừa qua, bà con chỉ huề vốn và thu lỗ. Trong khi, mía là cây trồng lâu ngày, mỗi năm chỉ thu hoạch một lần và mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào cây mía. Riêng vụ mía này, càng đến gần ngày thu hoạch càng lo lắng nhiều hơn. Bởi qua thông tin báo, đài cho biết đã có hai trong ba nhà máy trên địa bàn ngừng hoạt động là nhà máy đường Vị Thanh của Casuco và nhà máy đường Long Mỹ Phát.

Ông Đỗ Văn Phát, ở ấp Thống Nhất, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Tôi đã gắn bó với cây mía hơn 30 năm nay và chưa bao giờ rơi vào tình cảnh khó khăn như hai vụ mía vừa qua và đang lo sắp đối mặt tiếp với vụ mía “đắng” thứ ba. Bởi vì, giá bao tiêu mà nhà máy đường đưa ra trong vụ này quá thấp, chỉ 700 đồng/kg. Chắc bán xong vụ mía này gia đình tôi sẽ chuyển sang trồng hoa màu, trồng chuối để có nguồn lợi nhuận, chứ không thể đeo theo cây mía này mãi”.

Niên vụ mía đường 2019 – 2020

Còn ông Nguyễn Văn Lai, ở ấp Hiệp Hòa, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Hai vụ mía liên tiếp vừa qua, gia đình tôi bị thua lỗ hơn 80 triệu đồng. Sang năm nay tính ráng đầu tư, chăm sóc để phần nào bù đắp lại, nhưng không ngờ thấy tình hình còn tệ hơn. Chắc phải đến lúc tính chuyện chuyển đổi sang cây trồng khác thôi”.

Không riêng tại vùng mía lớn nhất tỉnh là huyện Phụng Hiệp mà ở vùng mía thành phố Vị Thanh và thị xã Ngã Bảy, hiện bà con cũng thấp thỏm lo lắng. Ông Trần Văn Ngây, ở ấp Thạnh Lợi, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, dự báo chắc như đinh đóng cột: “Vụ mía này bà con cũng sẽ “trắng tay”. Bởi ngoài giá thu mua mía thấp, trong khi chi phí đầu tư một ký mía thường không dưới 700 đồng/kg, chưa kể năm nay giá phân bón, thuốc trừ sâu, dịch bệnh tăng hơn mọi năm, nên giá thành sẽ còn cao và không biết tiền mướn nhân công đốn mía sắp tới có tăng lên hay không, vì lao động nông thôn lúc này rất khan hiếm. Mọi chi phí đầu tư cái gì cũng đều tăng, chỉ có giá mía là giảm, đặc biệt là bà con không biết bán mía cho ai, vì thực tế còn rất nhiều diện tích mía chưa được ký kết hợp đồng bao tiêu như mọi năm, nên bà con ai cũng trong tâm trạng thấp thỏm lo lắng”.

Địa phương và nhà máy cũng lo…

Tại cuộc họp giữa lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang và các địa phương có vùng mía nguyên liệu trên địa bàn với lãnh đạo công ty Casuco sáng nay, 1-8, về tình hình chuẩn bị vào vụ thu hoạch mía niên vụ 2019-2020, các địa phương tỏ ra lo lắng trước nhiều yếu tố bất lợi đang diễn ra, như nhà máy đường đóng cửa, giá bao tiêu thấp…dẫn đến thừa nguyên liệu, trong khi phía Casuco thì lại lo thiếu nguyên liệu?

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, niên vụ mía này, Hậu Giang xuống giống hơn 7.900 ha, giảm hơn 2.640 ha so với niên vụ trước, ước năng suất đạt khoảng 95 tấn/ha, với sản lượng đạt hơn 700 nghìn tấn. Trong khi đó, thống kê của Casuco thì diện tích toàn tỉnh Hậu Giang chỉ khoảng 6.000 ha, năng suất bình quân từ 60-70 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 400 nghìn tấn. Casuco đã có quyết định đóng cửa nhà máy đường Vị Thanh, còn nhà máy đường Long Mỹ Phát bị đình chỉ hoạt động do liên quan đến gây ô nhiễm môi trường, chỉ còn một nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động.

Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang lo lắng: Với công suất của nhà máy này chỉ 3.500 tấn/ngày thì cần đến khoảng sáu tháng mới ép hết sản lượng mía của tỉnh. Do đặc tính của giống mía chín sớm, chưa kể khi áp lực thu hoạch chạy lũ, thì khi thu hoạch rộ sẽ dẫn đến ứ đọng, thừa nguyên liệu.

Một vấn đề địa phương đang lo là số diện tích của bà con chưa được ký hợp đồng bao tiêu với nhà máy còn khá lớn, chỉ mới ký hợp đồng được khoảng gần 4.000 ha. Số diện tích mía chưa có hợp đồng, bà con sẽ không biết bán cho ai, vì chủ trương của Casuco năm nay là sẽ không thu mua đối với diện tích mía không có hợp đồng với nhà máy.

Theo lý giải của ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Casuco: Sở dĩ có sự chênh lệch về diện tích là do Casuco không thống kê diện tích đất đặc, mà chỉ tính trên đất liếp thực tế, sau khi trừ phần diện tích mương và chưa tính diện tích 655 ha vùng nguyên liệu của công ty Long Mỹ Phát. Còn năng suất ước đạt 60-70 tấn/ha là đối với đất mía có mương liếp, nên sản lượng mía của Hậu Giang ước chỉ đạt khoảng 400 nghìn tấn. Với sản lượng mía này, nhà máy còn đang lo thiếu nguyên liệu cho nhà máy hoạt động

Ông Vinh cho biết thêm: Chủ trương của Casuco năm nay là sẽ thu mua mía của bà con tại rẫy, phía công ty sẽ đấu giá thuê năm nhà thầu (thương lái) có trách nhiệm trong khâu vận chuyển mía từ rẫy về nhà máy theo kế hoạch phân chia vùng thu hoạch theo từng thời điểm của nhà máy. Trường hợp bà con không kêu được nhân công đốn chặt mía thì các nhà thầu này sẽ lo, với một mức giá thỏa thuận hợp lý, tránh tình trạng tăng giá nhân công khi vào thu hoạch rộ như các năm trước.

Ngoài ra, nhà máy còn có chính sách hỗ trợ tăng thêm 5 đồng/kg mía đối với bà con nào có điều kiện thu hoạch và tự chở mía ra nhà máy. Đối với mía đạt chất lượng, năng suất cao cũng được hỗ trợ theo quy định như mọi năm. Khi mía tăng thêm một chữ đường (CCS) được cộng thêm 70 đồng/kg…

Dù diện tích, sản lượng mía có sự chênh lệch giữa ngành nông nghiệp tỉnh và của nhà máy đường, nhưng qua buổi làm việc, phía lãnh đạo Casuco hứa sẽ thu mua hết mía cho bà con nông dân, nếu cần thiết sẽ huy động cả nhà máy đường ở Sóc Trăng và Trà Vinh vào vụ sớm để thu mua mía cho nông dân, với điều kiện là địa phương hỗ trợ giúp tuyên truyền vận động bà con phải ký hợp đồng bao tiêu với Casuco.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Trương Cảnh Tuyên đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, lãnh đạo địa phương có vùng mía nguyên liệu trên địa bàn phối hợp với Casuco khẩn trương thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu với bà con, cố gắng đến ngày 10-8 tới phải hoàn tất việc ký kết đối với phần diện tích mía còn lại chưa được ký hợp đồng với nhà máy.

Như vậy, bà con có phần yên tâm không đến nỗi không bán được mía. Tuy nhiên, với giá sàn thu mua mà công ty này đưa ra là 700 đồng/kg tại rẫy đối với mía đạt 10 CCS (chữ đường), nông dân lo sẽ tiếp tục thêm một vụ mía đắng, vì không có lời, thậm chí thua lỗ.

NDĐT

Phùng Dũng

--------------------------------------------------------------------

Sugar - Đường Cát Trắng

www.Sugar.com.vn

0902471618 (Ms. Ngọc)

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha