Nhiều năm nay, “bức tranh” thường thấy của ngành mía đường là các DN khá chật vật khi cạnh tranh với đường nhập ngoại ở cả khâu giá cả cũng như chất lượng. Tuy nhiên, với sự tính toán chủ động, tập trung đầu tư nâng cao năng suất mía và trữ đường, không ít DN đã dần tăng tính cạnh tranh, thậm chí có thể nghĩ tới việc “xoay chuyển tình thế” trong lâu dài.
Ngày đăng: 08-12-2016
2,058 lượt xem
Đột phá khâu giống
Khi đánh giá về vấn đề nổi cộm của ngành mía đường, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: Năng suất mía của Việt Nam trung bình hiện chỉ khoảng 65 tấn/ha, quy ra năng suất đường khoảng 5,5kg đường/ha, trong khi con số này tại nhiều nước trên thế giới là 9-10kg/ha. Như vậy, muốn phát triển bền vững, quan trọng là phải làm sao để có thể nâng cao năng suất cây mía và nâng trữ đường trong mía, tiến tới giảm giá thành sản phẩm.
Nhận thức rõ điều này, không ít DN trong ngành mía đường, điển hình như Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty CP đường Quảng Ngãi… đã chủ động thay đổi, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu từ giống, phân bón, canh tác, thu hoạch…, giúp năng suất mía được nâng lên 80-90 tấn/ha, thậm chí là 100-120 tấn/ha.
Vùng nguyên liệu mía
Theo ông Doanh, sự đầu tư đột phá của các DN thể hiện khá rõ nét ở khâu giống khi DN đã nghiên cứu, phát triển các loại giống đáp ứng được điều kiện biến đổi khí hậu mạnh mẽ tại Việt Nam như hạn hán, xâm nhập mặn. Thực tế cho thấy, chỉ cần giải quyết tốt khâu giống, năng suất mía đã có thể tăng lên ít nhất 8-10 tấn/ha. “Từ trước tới nay, hầu hết giống do các hộ nông dân tự để lại và trồng. Hiện nay, nhiều nhà máy có trung tâm sản xuất giống cung cấp cho người dân. Điển hình như trường hợp của Công ty CP Mía đường Lam Sơn, DN có cả Trung tâm công nghệ sinh học cao tạo ra giống mía bằng phương pháp nuôi cấy mô. Giống mía được sản xuất, sau đó chuyển ra trại nhân giống và cung cấp cho người dân trồng. Nhờ cách làm này, năng suất mía đã được đảm bảo bình quân từ 100-120 tấn/ha, rất hiệu quả”, ông Doanh nói.
Liên quan tới vấn đề này, theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công: Do nhìn rõ những bất cập trong sản xuất mía nên thời gian qua, Tập đoàn đã đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng mía đường Thành Thành Công. Mục tiêu lâu dài của Trung tâm không chỉ là tạo ra giống mía cho riêng Thành Thành Công mà còn có thể tạo ra bộ giống mía đặc thù của Việt Nam, đóng vai trò tiên phong làm đổi thay ngành mía đường. Tuy nhiên, để tạo được sự đột phá trong bộ giống mía không phải điều đơn giản, nhanh chóng. Trước mắt, Trung tâm cũng chủ động NK giống ngoại có đặc tính gen tốt, tiến hành kiểm dịch thực vật rồi nhân giống, đồng thời đặt hàng các trung tâm lai giống ở nước ngoài theo chủ đích rồi đem về Việt Nam nhân giống. Cách làm này giúp Thành Thành Công luôn có các giống mía tốt để tạo ra sản phẩm cạnh tranh.
Đổi thay đồng bộ
Không chỉ tập trung nghiên cứu giống, theo ông Doanh, thời gian qua, nhiều DN còn tích cực đổi thay đồng bộ phương thức canh tác để tạo ra hiệu quả tốt nhất. Điển hình như, nếu trước đây khâu làm đất trồng mía chủ yếu là cày lật thì nay chuyển sang cày xới đất giúp giảm chi phí. Mía cũng được đầu tư tưới theo nhiều hình thức khác nhau phù hợp với điều kiện thực tế như tưới phun, tưới tràn, tưới ngược… Ở khâu bón phân, từ trước tới nay, người nông dân vẫn quen với công thức, 1ha bón bao nhiêu kg phân thì cứ thế bón cho đủ số lượng. Tuy nhiên, giờ nhiều nhà máy đã lựa chọn cách thức kết hợp với các nhà máy sản xuất phân bón để lấy đất khu vực trồng mía đem đi phân tích nông hóa thổ nhưỡng. Cách làm này giúp xác định rõ được đất đang cần chất gì để phối trộn theo công thức phù hợp, góp phần giảm chi phí mà phân bón xuống đất có thể hấp thụ gần như hoàn toàn. Khâu thu hoạch cũng được tiến hành cơ giới hóa nhiều. Việc đồng bộ các khâu từ giống, bón phân, canh tác, thu hoạch… có tác động tích cực trong việc nâng cao năng suất, chất lượng mía, đồng thời giảm giá thành sản xuất.
Công ty TNHH Hưng Thịnh chỉ là “tân binh” trong ngành mía đường, tuy nhiên lãnh đạo DN cũng đã khá chú trọng tới việc đầu tư nhằm tăng năng suất, chất lượng cho mía. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Quang Hợp, Giám đốc Công ty cho biết, DN không trực tiếp sản xuất đường mà chỉ trồng mía và bán nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất. Với 1.500ha mía tại Tây Ninh, trong đợt nắng nóng kỷ lục vừa qua, DN đã chủ động đầu tư 40-50 tỷ đồng cho hệ thống tưới với trạm bơm, đường ống đảm bảo tưới cho khoảng 600 ha mía. Dự kiến, mùa khô năm tới, số tiền DN bỏ ra thêm để vận hành đầy đủ hệ thống tưới cho toàn bộ 1.500ha khoảng 20-30 tỷ đồng. “Đầu tư vào hệ thống tưới là hướng mà DN đã tính toán kỹ lưỡng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững. Bởi khi có đầy đủ nước tưới, năng suất cũng như chất lượng mía sẽ tăng lên. Cụ thể, năng suất mía được tưới đủ đầy sẽ tăng khoảng 30 tấn/ha. Với 600 ha đã được đầu tư hệ thống tưới, tổng năng suất tăng thêm là 18.000 tấn”, ông Hợp nói.
Sự chủ động, nỗ lực của các DN trong ngành mía đường không chỉ đem lại lợi ích trước mắt cho DN mà còn đặt ra kỳ vọng lâu dài có thể đổi thay, nâng cao tính cạnh tranh cho cả ngành mía đường Việt Nam trong thời hội nhập sâu. Xung quanh “câu chuyện” này, ông Doanh lưu ý thêm, thời gian tới, điều mà các DN cần đẩy mạnh còn là tiếp tục tái cơ cấu. Cụ thể như, các nhà máy sản xuất nên cân đối lại cơ cấu sản xuất giữa đường thô, đường trắng và đường tinh luyện. Trong khi nhu cầu thế giới đối với đường thô tăng lên thì các nhà máy trong nước vẫn thích ưu tiên sản xuất đường trắng. Có lẽ điều này cần phải thay đổi. Bên cạnh đó, không chỉ tập trung nâng cao năng suất, các nhà máy cũng cần nghiên cứu, triển khai chương trình làm ethanol, làm cồn...
Nguồn: Báo Hải Quan
--------------------------------------------------------------------
Sugar - Đường Cát Trắng
0902471618 (Ms. Ngọc)
Gửi bình luận của bạn